Trong các loài cây hoang dại ở miền sông nước Cửu Long ít có cây gì mà có thể sử dụng tất cả các bộ phận của nó để làm các vị thuốc trong Y học cổ truyền như cây nhàu. Từ vỏ cây, rễ trái cho đến lá nhàu để có những vị thuốc mà từ bao đời nay ông bà ta đã tích góp những kinh nghiệm quý báu để truyền lại cho muôn đời sau.
Cây nhàu cao nhất từng 5 – 6 thước thông nhánh thường mọc ở góc vườn, bờ ao, kênh rạch hay dọc bờ sông. Những cây nhàu mọc ở dọc bờ sông nhờ có nước nên có trái quanh năm, những cây nhàu mọc ở nơi khác thường có hoa vào tháng 1- 2 và thu hoạch trái vào tháng 7 – 8. Hồi trước ở quê chưa có chợ búa và người dân chưa trồng cây ăn trái nhiều như bây giờ nên bọn con nít tụi tôi cứ thấy cây gì có trái là hái ăn thử. Trái bần, trái bình bát, trái nhàu gắn liền với tuổi thơ của biết bao người của một thời còn nghèo khó. Thứ trái cây hoang dại này ai thấy thì cứ bẻ chứ chủ đất không hề rầy la, khi trái nhàu mở mắt và có màu trắng sữa thì tụi tôi hái chúng và bỏ vào hũ muối chừng 2 hôm là chín mềm. Xế trưa mà người lớn chưa kịp nấu cơm thì chúng tôi tìm vào hũ muối hôm trước vùi trái nhàu và lấy ăn. Cũng lạ là người lớn không hề la rầy khi chúng tôi ăn trái nhàu, lớn lên tôi mới biết trái nhàu chín ngâm muối có thể chữa được bệnh nhuận trường, tiêu hóa, hen suyễn nữa. Không phải đứa con nít nào cũng ăn được trái nhàu chín đâu vì nó the cay và có mùi khai khó chịu rất khó ăn, thế những nếu đứa nào cố ăn thử vài lần thì cũng thấy ngon vì hồi đó không có trái gì thay thế nên ăn diết rồi quen. Lớn lên một chút tôi thường thấy Ba lấy Trái Nhàu ngâm vào keo rượu trắng, Ba nói ngâm vào cho Ông nội uống trị bệnh nhức mỏi rất tốt.
Ở quê khi những người lớn tuổi làm việc nhiều, hay làm việc nặng hay bị nhức mỏi đau lưng có người gọi là bị cụp lưng, Ông nội tôi thường hay bị mắc chứng bệnh này. Những khi Ông nội đau lưng Chú tôi lại leo lên cây nhàu hái thật nhiều lá già để cho Ông nội nằm lên muối nóng cho mau hết bệnh. Bà nội tôi rang muối trong chiếc nồi đất cho đến khi muối nổ lốp bốp rồi mới nhấc xuống, lúc này tôi giúp Ông nội trải nhiều lớp lá nhàu phía dưới và khi Bà nội đổ muối lên thì phải nhanh tay lấy những lá nhàu còn lại phủ đều từng lớp lên mặt muối nóng. Nằm trên lớp lá nhàu ấm nóng ấy dường như Ông nội thấy sảng khoái lắm, khi đã bớt nóng ông rút từng chiếc lá nhàu ra cho vẫn giữ được độ nóng như ban đầu. Không biết Lá nhàu có vị thuốc gì và Ông tôi nằm vài ba lần như vậy là hết đau lưng, Lá nhàu không chỉ dùng để trị đau lưng, cụp lưng mà còn dùng để nấu các món ăn như lươn um lá nhàu vừa ngon, vừa bổ, vừa nên thuốc. Muốn cho nồi lươn um lá nhàu được ngon trước tiên phải biết chọn lá nhàu, đừng tưởng lá nhàu càng non thì càng ngon như các loại rau khác, Lá nhàu càng non thì càng đắng dữ dội, lá già vừa cứng, đắng và dai nên phải ra tận cây nhàu hái lá từ thứ 2 thứ 3 trở lên, lá này không quá đắng, không cứng,đủ dai, đủ giòn thì nấu mới ngon. Vì Lá nhàu có mùi đặc trưng của nó vừa đắng, vừa có mùi không được thơm nhưng nếu biết kết hợp gia vị đúng cách sẽ có món ngon tuyệt hảo, lươn làm sạch và được ướp với nước mắm, bột ngọt và xả ớt băm nhuyễn. Lá nhàu rửa sạch để ráo rồi sắp dưới đáy và xung quanh thành nồi sau đó để vài tép xả đập dập lên trên, sau khi để từng khoanh lươn tròn lên trên người ta lại phủ thêm một lớp lá nhàu nữa rồi rưới nước cốt dừa lên trên. Chỉ cần chụm lửa vừa phải khi thấy hơi nước bay ra khỏi nắp nồi chừng 5 phút sau nồi lươn um đã chín và nhấc nồi ra khỏi bếp ngay, gắp lá nhàu trong nồi um ra sắp trong cái đĩa lớn sau đó gắp lươn ra để bên trên làm khéo léo để lươn không bị gãy trông xấu rồi rắc đậu phộng ra vàng lên nữa là xong.
Trong y học cổ truyền món ăn nào cũng mang lại các giá trị bài thuốc nhất định, món ăn từ lá nhàu sẽ trị các bệnh đau lưng, nhức mỏi gân cốt và bồi bổ sức khỏe. Với nhiều người món lươn um lá nhàu không chỉ là một bài thuốc mà còn là một món ăn dân dã mang đậm chất miền đất phương Nam.
Hồi trước ở quê thường có ông thầy thuốc Nam hoặc xa xa có một ngôi chùa mà ngôi chùa nào cũng có phòng thuốc Nam để bốc thuốc cho bà con mình. Người dân quê tôi cũng góp một tay tìm những vị thuốc Nam góp vào chùa. Trong nhiều loại cây cỏ làm thuốc ấy thì rễ nhàu là một vị thuốc rất quý, rế nhàu làm thuốc được phải là cây nhàu già và mỗi lần đào rễ phải là cây nhàu già nhưng cũng khó khăn lắm. Rễ nhàu sau khi đào lên được rửa sạch thái mỏng phơi khô. Nếu ngâm rượu thì phải sao vàng còn kết hợp với các vị thuốc khác thì để nguyên như vậy. Sách gia y trị nghiệm của Lương y Diệp Cúc có ghi rễ nhàu có vị đắng, ấm thông huyết mạch trừ phong tê, nhức mỏi hạ huyết áp. Với tôi những bài thuốc Nam liên quan đến cây nhàu thì tôi không hiểu nhiều chỉ biết loài cây hoang dại ấy như một món quà tặng của thiên nhiên giành cho người dân quê vượt qua một phần nào đó của bệnh tật mà không phải tốn kém gì nhiều.
Hình ảnh cây nhàu với những người còn trẻ hôm nay chắc không có ấn tượng gì cả nhưng với những người trung niên trở lên chắc hẳn sẽ có nhiều kỉ niệm với loại cây này.