Cây nhàu có công dụng vừa làm nguyên liệu để chế biến nên món ăn đặc sản – Lươn um lá nhàu – nổi tiếng; vừa làm vị thuốc dễ dùng để điều trị tăng huyết áp, đau nhức xương khớp, kiết lỵ… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về công dụng cây nhàu thông qua bài viết này.
1. Đặc điểm cây Nhàu
Nhàu, tên khoa học là Morinda citrifolia L, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Cây cao chừng 6 – 8 m, thân nhẵn, màu lục hoặc nâu nhạt. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, nhọn ở đầu; mặt trên xanh lục bóng, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đối diện với lá thành đầu tròn, dài 2 – 4 cm, hoa màu trắng sau vàng nhạt.
Cây nhàu
Trái nhàu hình trứng, xù xì, non màu xanh nhạt, dài chừng 5 – 6 cm; chín có màu trắng hoặc hồng; mùi nồng và cay. Ruột quả có một lớp cơm mềm ăn được, chính giữa có một nhân cứng
2. Phân bố, thu hái, chế biến
Cây nhàu phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Đài Loan, Hải Nam – Trung quốc đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippine, Ấn độ, Australia và một số đảo ở Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, nhàu phân bố từ Bắc tới Nam, được thấy nhiều ở miền Nam. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Sau khi chặt tái cây có thể tái sinh từ chồi gốc khỏe.
Mùa hoa: tháng 11 – 2, mùa quả: tháng 3 – 5.
Bộ phận dùng: Rễ, quả, lá và vỏ cây.
3. Thành phần hóa học
Vỏ rễ nhàu có chứa moridone, chủ yếu dưới dạng glucosid là moridine, C28H30O15.
Ngoài ra, quả chứa ít tinh dầu, trong đó có acid hexanoic, acid octanoic, một ít parafin và các ester của các alcol ethylic và methylic. Lá cũng có mordine.
Năm 1982, tác giả Đàm Trung Bảo (Đại học Dược Hà Nội) cho biết trong Nhàu có nhiều selenium.
4. Công dụng Cây Nhàu
4.1. Theo Y học hiện đại
Qua các thí nghiệm trên động vật, cho thấy rễ cây Nhàu có công dụng sau đây:
- Hạ huyết áp
- Nhuận tràng nhẹ và lâu dài
- Lợi tiểu nhẹ
- Làm êm dịu thần kinh trên thần kinh giao cảm
- Độ độc không đáng kể, và không gây nghiện
4.2. Theo Y học cổ truyền
Rễ nhàu là vị thuốc có tác động tốt tới hệ cơ xương khớp và hệ thần kinh của con người. Nó không những giúp an thần, ngủ ngon, mà còn giảm đau xương khớp rất hiệu quả.
Những công dụng tuyệt vời của rễ nhàu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này. Cụ thể như sau:
- Điều trị đau nhức xương khớp, phong tê thấp, mỏi lưng, đau đầu gối.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, giúp nhuận tràng.
- Có công dụng hạ huyết áp.
- Làm dịu hệ thần kinh, giúp an thần, tạo giấc ngủ ngon, sâu giấc.
- Rễ nhàu có công dụng điều trị suy nhược cơ thể.
- Ngoài ra, công dụng của rễ nhàu giúp điều hòa kinh nguyệt.
>> Xem thêm:
- Viên nhàu, bột nhàu, nước cốt nhàu đạt chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ Y tế
- Tác dụng tuyệt vời của quả nhàu khô mà bạn không nên bỏ qua
5. Những điều bạn chưa biết?
5.1. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
Rễ thái nhỏ, phơi khô sắc nước uống thay chè liều 10 – 20 g mỗi ngày. Dùng 15 ngày, bắt đầu thấy kết quả; sau đó giảm liều dùng liên tục trong vài tháng thì huyết áp ổn định.
5.2. Hỗ trợ điều trị nhức mỏi gối, đau lưng
- Người ta thường thái rễ nhàu, sao vàng ngâm rượu, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần một thìa canh chữa chứng nhức mỏi, đau lưng, tê bại. Có thể dùng quả nhàu non thái mỏng, sao khô thay thế.
- Theo Đào Văn Phan, Trần Ngọc Ân, cao nước rễ nhàu có tác dụng tốt đối với viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn 1 và 2. Qua điều trị, kết quả đạt 91.6%, trong đó tốt chiếm 56%, trung bình 35.6%.
5.3. Hỗ trợ điều trị nhuận tràng, chữa kiết lỵ
Quả nhàu chín ăn với muối có tác dụng giúp nhuận tràng, tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh; quả nhàu nướng chín ăn chữa kiết lỵ.
Với quả non (3 quả) phối hợp với rễ mía dò (10 g), củ tầm sét (10 g), phơi khô, tán nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống trong ngày chữa bầm máu do ngã hay bị đánh.
5.4. Chữa mụn nhọt
Lá nhàu để tươi, rửa sạch giã nhỏ đắp, làm mụn nhọt sớm mưng mủ, mau lành chóng lên da non.
6. Nghiên cứu khoa học về công dụng cây nhàu
6.1. Tăng huyết áp
- Trong một nghiên cứu được tiến hành trên chuột được gây tăng huyết áp bởi thuốc Dexamethasone. Người ta ghi nhận, nhóm chuột được điều trị với hoạt chất flavonoid rutin kết hợp scopoletin, chiết suất từ lá và quả cây Nhàu, huyết áp giảm thấp đáng kể so với nhóm chuột không được điều trị.
- Một nghiên cứu khác cho thấy ứng dụng của nước ép trái Nhàu trong hạ huyết áp. Kết quả chỉ ra rằng nước ép có chứa các hợp chất ức chế men chuyển angiotensin, uống hàng ngày có hiệu quả trong phòng ngừa và cải thiện tăng huyết áp.
6.2. Đái tháo đường
Bốn loại cao chiết từ Nhàu đều có tác dụng làm giảm hoạt tính của enzyme glucose – 6 – phosphatase có ở gan và thận chuột bệnh tiểu đường, giúp ổn định đường huyết sau 20 ngày chuột bệnh tiểu đường được điều trị.
Tác động hạ đường huyết và điều hòa hoạt động của enzyme glucose – 6 – phosphatase của cao rễ và cao trái Nhàu chín tương đương với thuốc trị bệnh tiểu đường glucofast.
6.3. Tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa
- Hoạt động của một số enzyme và các chất chống oxy hóa trong Nhàu khá cao. Hoạt động riêng của Catalase là 32.626 (U/mg protein); hoạt động riêng của enzyme Peroxidase là 68.818 (U/mg protein), hàm lượng vitamin C là 0.121 (g/100g mẫu).
- Các chế phẩm từ Nhàu đều có khả năng kháng với 4 loại vi khuẩn: Escherichia coli, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Bacillus pumilus; trong đó nhạy nhất là chủng S. aureus.
7. Ứng dụng của cây Nhàu trong khu vực
Các nước ở châu Á cũng dùng các bộ phận của cây Nhàu làm thuốc.
- Trung quốc, Nhật bản: nước sắc rễ nhàu được dùng làm thuốc bổ, thuốc hạ sốt.
- Đài loan: nước sắc của rễ dùng chữa lỵ.
- Phillipine: cao toàn phần rễ nhàu chữa bệnh cao huyết áp, trĩ, xuất huyết não.
- Malaysia: lá nhàu hơ nóng đắp lên ngực, bụng chữa ho, nôn mửa, đau bụng. Nước ép từ quả chữa ho, sốt, tiểu tiện khó, đái tháo đường, kinh nguyệt không đều. Dịch hãm từ vỏ, rễ hoặc quả nhàu được dùng để rửa vết thương giúp chóng lành.
8. Lưu ý
- Vì nhàu có tính thông kinh hoạt huyết mạnh nên phụ nữ có thai không dùng.
- Người thể tạng nhiệt, táo bón, áp huyết cao hoặc đang có các chứng viêm không nên dùng.
Cây Nhàu là vị thuốc rất gần gũi, và qua bài viết đã cho thấy rất nhiều công dụng của vị thuốc trong điều trị tăng huyết áp, kiết lỵ, đái tháo đường….Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện mới được thử nghiệm trên động vật, chưa được tìm hiểu kĩ về thời gian, liều lượng sử dụng cũng như tác dụng phụ. Quý độc giả cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng thảo dược.
Nguồn: Tổng hợp